• Chạy đua với đại dịch
  • Thời gian đăng: 25/02/2021 14:31:57 - Lượt xem: 2743
  • Không ồn ào như trong các khoa, phòng khác, Khoa Xét nghiệm - Chẩn đoán hình ảnh - Thăm dò chức năng (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh - CDC Ðiện Biên) lại là nơi có cường độ làm việc cao, áp lực rất lớn. Kể từ khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát tại Ðiện Biên đến nay, các y, bác sĩ, kỹ thuật viên tại đây phải khắc phục mọi khó khăn, chạy đua với đại dịch, phân tích hàng nghìn mẫu bệnh phẩm một cách nhanh chóng, kịp thời và chính xác để phục vụ cho công tác phòng chống dịch Covid-19.
  • 4_1.jpg

    Bác sĩ, kỹ thuật viên Khoa Xét nghiệm - Chẩn đoán hình ảnh - Thăm dò chức năng (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh) làm xét nghiệm mẫu bệnh phẩm.

    Chạy đua với thời gian

    Sau khi những trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 đầu tiên được khẳng định, lượng mẫu xét nghiệm chuyển về Khoa Xét nghiệm - Chẩn đoán hình ảnh - Thăm dò chức năng tăng lên chóng mặt. Bởi đây là đơn vị duy nhất trong toàn tỉnh có khả năng xét nghiệm và khẳng định kết quả mẫu bệnh phẩm của các trường hợp nghi nhiễm Covid-19. Vào thời điểm đó, trung bình mỗi ngày Khoa tiếp nhận, xử lý 400 - 500 mẫu, cao điểm 1.000 mẫu. Nhiều y, bác sĩ, kỹ thuật viên của Khoa phải làm việc trắng đêm, xuyên tết để làm xét nghiệm các mẫu bệnh phẩm được gửi về trong ngày. Tất cả như chạy đua với thời gian vì hơn hết, kết quả đó là niềm mong mỏi, chờ đợi của những trường F1, F2 và của cả cộng đồng. Chỉ cần mẫu xét nghiệm ra chậm một ngày, thậm chí một giờ đồng hồ thôi là đã ảnh hưởng tới rất nhiều người, thậm chí rất khó khăn cho công tác truy vết, khoanh vùng dập dịch.

    Tết Nguyên đán Tân Sửu năm nay với bác sĩ Vì Thị Sơn, Khoa Xét nghiệm - Chẩn đoán hình ảnh - Thăm dò chức năng hết sức đặc biệt. Vì ngoài chiều 30 tết tranh thủ sắm ít đồ về với gia đình, còn lại chị gần như túc trực bên máy để chạy mẫu xét nghiệm cho các trường hợp F1, F2… từ khắp các nơi gửi về khoa. Ðối diện với cường độ công việc cao, cùng nhiều nguy cơ lây nhiễm, nhưng chị và các đồng nghiệp tại khoa không hề nao núng, vẫn nỗ lực hàng ngày, hàng giờ cho ra những kết quả xét nghiệm chính xác nhất. Trong bộ đồ bảo hộ cùng chiếc khẩu trang che kín chỉ chừa đôi mắt, bác sĩ Sơn tâm sự: Từ hôm có ca dương tính đầu tiên (ngày 4/2 tức 23 tết) đến nay, chúng tôi gác lại hết tất cả các hoạt động của cuộc sống đời thường dù cho tết Nguyên đán đang cận kề. Anh em đều ở lại cơ quan để thay nhau chạy các mẫu xét nghiệm cả ngày, đêm. Những ngày cao điểm mẫu về nhiều, mọi người trong khoa lại động viên nhau cùng cố gắng để có kết quả nhanh nhất, chính xác nhất phục vụ công tác truy vết tại cộng đồng. Công việc áp lực về thời gian nên đa số anh em chúng tôi ở lại ăn, nghỉ tại đơn vị luôn. Nhưng bữa ăn mùa dịch cũng thất thường mà đa phần là quá bữa, có hôm 2 giờ chiều mới được nghỉ ăn bữa trưa. Từ hôm có dịch đến giờ, tôi cũng hạn chế về nhà. Phần vì công việc nhiều, phần khác vì xét nghiệm có ca dương tính, mình lại ở vị trí nguy hiểm về nhà cũng ngại gặp người thân, bạn bè.

    Một chu trình xét nghiệm khép kín sẽ gồm các công đoạn xử lý mẫu ban đầu, tách chiết và chạy máy. Nhân viên thực hiện mẫu sẽ đảm nhận mọi công đoạn cho tới khi ra kết quả cuối cùng, tất cả đều phải nghiêm ngặt, đúng quy trình xét nghiệm. Vì vậy, vừa đảm bảo kết quả chính xác nhất, sớm nhất và vừa phải bảo vệ an toàn cho nhân viên làm xét nghiệm là những yêu cầu quan trọng vào lúc này. Bác sĩ Nguyễn Anh Thái, Trưởng khoa Khoa Xét nghiệm - Chẩn đoán hình ảnh - Thăm dò chức năng chia sẻ: Ðầu tháng 2 khi dịch Covid-19 bùng phát ngay trên địa bàn là thời điểm đơn vị bước vào cuộc chạy đua tổng lực. Từ những ca F0 đầu tiên phát hiện đến những ca F1, F2 được truy vết khiến số lượng mẫu xét nghiệm ngày càng nhiều lên. Mẫu về dồn dập thì cả con người và dàn máy xét nghiệm SARS-CoV-2 đều làm việc hết công suất không nghỉ ngơi phút nào. Nếu mẫu về lúc 0 giờ thì cũng phải chạy ngay để 5 - 6 giờ có kết quả kịp thời phục vụ cho việc khoanh vùng, truy vết các ca nghi ngờ, các ca dương tính… Tất cả đều phải làm rất nhanh, rất khẩn trương và tuyệt đối chính xác.

    Nỗ lực vượt gian khó

    CDC Ðiện Biên được Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cấp chứng nhận xét nghiệm khẳng định từ ngày 18/5/2020. Nhưng để có thể xét nghiệm kịp thời, chính xác hàng ngàn mẫu bệnh phẩm trong thời gian sớm nhất thì còn cả một quá trình hết sức khó khăn. Ông Ðoàn Ngọc Hùng, Giám đốc CDC Ðiện Biên cho biết: Ngay từ khi dịch bệnh bùng phát, Trung tâm xác định rõ công tác xét nghiệm phải đi đầu để kịp thời khoanh vùng, xử lý, không thể chậm trễ. Bởi chủng vi rút mới lây lan rất nhanh, chỉ cần chậm trễ 1 ngày là mầm bệnh đã phát tán thêm ra nhiều trường hợp. Vậy nên ngay từ đầu dịch, Trung tâm đã phải tăng cường, củng cố cho công tác xét nghiệm. Vào thời điểm đó, mọi nguồn cung cấp vật tư, sinh phẩm gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là các sinh phẩm phục vụ cho chẩn đoán, xét nghiệm Covid-19 và các vật tư phục vụ lấy mẫu, bảo quản mẫu bệnh phẩm. Có thời điểm do dịch bệnh lan tràn khắp toàn cầu, mọi thứ đình trệ không thể mua nổi sinh phẩm cần thiết. Trung tâm phải huy động mọi nguồn lực để tự sản xuất ra vật tư lấy mẫu, bảo quản mẫu. Theo tính toán, từ tháng 5/2020 đến nay, Trung tâm đã sản xuất được các sinh phẩm đảm bảo cho công tác xét nghiệm và tiết kiệm được gần 1 tỷ đồng cho ngân sách so với việc đi mua bên ngoài. Hiện tại, Trung tâm vẫn tiếp tục tăng cường nguồn lực cán bộ từ các khoa, phòng khác để sản xuất ra dung môi bảo quản bệnh phẩm, hoặc các dụng cụ lấy bệnh phẩm, vừa chủ động đáp ứng yêu cầu, vừa tiết kiệm ngân sách.

    Vượt qua khó khăn về sinh phẩm, CDC Ðiện Biên còn phải đối diện với vấn đề công suất xét nghiệm. Hiện nay hệ thống xét nghiệm của Trung tâm chạy trung bình 100 - 150 mẫu/ngày, chắc chắn không thể đáp ứng được yêu cầu vào thời điểm dịch bệnh bùng phát với hàng trăm trường hợp F1, hàng nghìn trường hợp F2 cần xét nghiệm càng nhanh càng tốt. Vì vậy, Trung tâm đã nỗ lực tăng công suất xét nghiệm bằng cách chia y, bác sĩ, kỹ thuật viên thành các kíp để tăng thời gian làm việc cả ngày cả đêm; tăng cường nhân lực làm thủ công tách chiết xử lý mẫu bệnh phẩm. Trung tâm được Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương hỗ trợ cho mượn 1 máy Realtime PCR giúp nâng công suất xét nghiệm lên nhiều lần. Nhờ đó Trung tâm có thể xét nghiệm 250 mẫu/ngày, đêm, có ngày lên tới 1.000 mẫu. Từ khi dịch bệnh bùng phát đến nay, Trung tâm đã làm xét nghiệm được trên 5.000 mẫu; trong thời gian nghỉ tết chạy xét nghiệm trên 1.000 mẫu. Từ khi được Bộ Y tế cho phép xét nghiệm khẳng định đến nay Trung tâm đã chạy trên 20.000 mẫu xét nghiệm.

    Với tinh thần “chống dịch như chống giặc” mà xét nghiệm lại phải đi đầu nên anh em của Trung tâm đã nỗ lực khắc phục mọi khó khăn hoàn thành nhiệm vụ. Ai cũng trách nhiệm, quyết tâm cao, chạy đua với đại dịch để các mẫu xét nghiệm có kết quả sớm, chính xác phục vụ hoạt động điều tra, truy vết khoanh vùng cũng như công tác thu dung, điều trị bệnh nhân nhiễm SARS-CoV-2, góp phần vào nỗ lực chung đẩy lùi dịch bệnh Covid-19 - ông Ðoàn Ngọc Hùng cho biết thêm.

  • Tác giả: Diệp Chi
  • Nguồn tin: baodienbienphu.info.vn
  • VĂN BẢN CHỈ ĐẠO, ĐIỀU HÀNH
  • 6230/BC-UBND
  • Báo cáo Kết quả thực hiện Nghị quyết số 80/2023/QH15 ngày 09/01/2023 của Quốc hội trên địa bàn tỉnh Điện Biên
  • 2077/QĐ-UBND
  • Quyết định bãi bỏ một số Quyết định về phòng, chống dịch bệnh COVID-19 do UBND tỉnh Điện Biên ban hành
  • 5593/KH-UBND
  • Kế hoạch kiểm soát, quản lý bền vững dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn tỉnh Điện Biên, giai đoạn 2023-2025
  • 494/TB-VPCP
  • Thông báo kết luận của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch bệnh COVID-19 tại Hội nghị tổng kết công tác phòng, chống COVID-19 của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống COVID-19 trực tuyến với các địa phương
  • 255/TB-SYT
  • Thông báo về cấp độ dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh Điện Biên đến ngày 16.10.2023
  • 190/TB-SYT
  • Thông báo về cấp độ dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh Điện Biên đến ngày 10/8/2023
  • THỐNG KÊ TRUY CẬP
  • Tổng truy cập:
  • Chung nhan Tin Nhiem Mang
  • © 2021 SỞ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG TỈNH ĐIỆN BIÊN - SỞ Y TẾ TỈNH ĐIỆN BIÊN
    Tổng truy cập: